Năm mới chúc nhau - Trần Tế Xương

Năm mới chúc nhau

Năm mới đến rồi, cùng nghe lại bài thơ “Năm mới chúc nhau” của nhà thơ Tú Xương nha mọi người

Năm mới chúc nhau

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa chửi vừa la cũng đắt hàng.

Nó lại chúc nhau cái sự giàu,
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu?

Nó lại mừng nhau có lắm con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non,

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Vua, quan, sĩ, thứ người trong nước
Sao được cho ra cái giống người!

Bonus:

Mấy bài thơ về Tết của Trần Tế Xương

— Triều Nguyên —

Viết về Tết hay và được đưa vào chương trình bậc trung học nhiều bài nhất, thì Trần Tế Xương đứng đầu. Dương Quảng Hàm, tác giả “Việt Nam thi văn hợp tuyển” (soạn theo chương trình trung học) đưa vào sách hai bài “Tết đến” và “Năm mới”. Các soạn giả sách văn học PTTH và THCB hiện nay đưa thêm bài “Mồng hai Tết, viếng cô Ký” (có sách không đưa vào học – kể cả “đọc thêm” – bài “Năm mới”); sách văn học THCS ( lớp 9) chọn bài “Năm mới chúc nhau”.

Bài “Tết đến” ( hay “Cảm Tết”):

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo,
Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành Tết khác
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.

Nhà thơ nêu một loạt những thứ mà ngày Tết cần có hoặc nên có: tiền bạc, rượu cúc, trà sen, bánh chưng, giò lụa. Và một loạt lí do để không có thứ gì: tiền chưa lĩnh, rượu nhà hàng làm biếng không gánh đến, trà thì con buôn đang nâng giá nên phải đợi, gói bánh sợ nồm làm hỏng, bó giò lụa ngại thiu vì nắng. Nghĩa là, mọi thứ đang ở phía trước, chờ “tết khác”, nhưng “anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo”.

Cái định hướng ở tương lai ấy, khi mới nghe qua có vẻ lạc quan, cũng như kiểu “thủ vĩ ngâm” nhằm đánh lạc hướng chuyện nghèo một cách khăng khăng, thoạt nghe, có cái gì ngồ ngộ; nhưng ngẫm lại, cách kể lể chỉ độc một nhịp 4/3 ở năm câu thơ liền ( các câu 2, 3, 4, 5, 6), cùng với ” thôi thế thì thôi” nghe tiếng thở dài, khiến cái lạc quan, ngộ nghĩnh kia hoàn toàn bị đảo ngược. Đây là hình thức tự trào, và ông Tú ở vào thế “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt” vào dịp Tết, cái dịp muốn giấu nghèo cũng không phải dễ: “khôn ngoan đến cửa quan mới biết; khó nghèo ba mươi tết mới hay”.

Bài “Năm mới” :

Khéo bảo nhau rằng mới với me,
Bảo ai rằng cũ, chẳng ai nghe.
Khăn là bác nọ to tày rế;
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
Công đức tu hành, sư có lọng;
Xu hào rủng rỉnh, mán ngồi xe.
Chẳng phong lưu, cũng ba ngày Tết
Kiết cú như ai cũng rượu chè.

“Mới me” (tương tự kiểu nói “mới miếc” hiện nay) vốn đã làm nghĩa phủ định rồi, nhà thơ còn chiết từ “mới với me” để nhấn mạnh, ý không chấp nhận hoàn toàn. Cặp từ thực diễn tả cái quá cỡ trong cách chưng diện của “bác nọ”, “cô kia”. Cặp câu luận đề cập đến hai đối tượng “sư” và “mán”: “sư có lọng”, “mán ngồi xe”. Cái quá cỡ về ăn mặc của người bình thường cũng như cái làm cao, làm sang của sư, của mán đều rởm đời, lố bịch. Ông Tú chỉ kí hoạ bức tranh đường phố ngày Tết qua những con người này. Nếu được tô màu, thì hẳn là sặc sỡ, và theo cái nhìn của ông mà suy, có thể nói là diêm dúa.

Tú Xương chỉ phủ nhận cái lố bịch, diêm dúa kia chứ không có ý chối bỏ ba ngày Tết. Điều này, ông nói rõ trong câu kết: dù nghèo kiết, cũng rượu chè mừng xuân. Và giá trị của bài thơ nằm ở chỗ đả kích cái thái quá, cái khoe mẽ thất thường đã trình bày.

Bài “Mồng hai tết, viếng cô Ký “:

Cô Ký sao mà đã chết ngay?
Ô hay, trời chẳng nể ông Tây!
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay!
Gớm ghê cho những cô con gái
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy!

Cô Ký đột ngột chết. Cái chết của người phụ nữ trẻ trung và có nhan sắc này khiến người còn sống phải băn khoăn. “Trời” tất nhiên được liên tưởng đến. Nhưng nhà thơ không những chẳng oán thán, trách cứ gì mà còn bẻ chệch cái thói thường kia sang hướng khác: Trời bắt chết cô Ký, vậy là chẳng nể nang gì ông cẩm Tây! Cô Ký có chồng, có thân thích. Không nói Trời chẳng nể vì họ, hay nể vì cô Ký, lại quàng cái ” ông Tây” xa lạ ấy vào, thì rõ là viên cảnh sát trưởng, kẻ đại diện thường trực đầy quyền uy của ” mẫu quốc” ở thành Nam Định, kẻ mà dân chúng phải nể sợ, có quan hệ gắn bó với cô Ký hơn cả. Cô Ký thuộc về Tây chứ không phải An Nam. Và như vậy, cái danh xưng ” cô Ký” (vợ thầy Ký) chỉ là giả hiệu.

Cặp câu thực nhằm nhấn mạnh cái ý chết tươi, “chết ngay” ở câu phá đề. Đi làm lẽ khi còn “gái tơ”, chết khi năm mới “vừa sang được một ngày”. Chuyện hiếu danh, yêu cuồng, sống vội của cô Ký được vạch ra ở đây. Nhưng đến cặp câu luận thì mới hai năm rõ mười về điều mà tục ngữ từng đề cập ” hùm chết để da, người ta chết để tiếng “; cô Ký bị tiếng cười chê. Tú Xương đã sắc sảo khi sử dụng hai từ “khóc “,”thương”, cách biểu lộ tình cảm thông thường của người sống dành cho người chết, để rồi bẻ quặp sang một hướng khác: sự vui mừng ( vui mừng về đã gỡ bỏ được cái nhố nhăng, bất chấp đạo lí xảy ra trước mắt). Cách thể hiện của ông Tú như sau:

Khóc = câu đối đỏ ngày tết (tức Mừng)

Thương = cái xe tay mang lợi nhuận (tức Vui)

Khóc Thương = Mừng Vui (thay vì khóc thương là sự vui mừng)

Dù đã dùng chữ nghĩa châm biếm sâu cay như vậy, nhưng hình như ông Tú vẫn thấy thiếu, nếu không đưa ra một lời cảnh cáo bằng cái rùng mình ghê rợn về những cô gái đua nhau vào con đường mà cô Ký đã đi. Đó là nội dung ý nghĩa của cặp câu kết.

Bài “Năm mới chúc nhau”:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,
Đứa thời mua tước đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Nó lại mừng nhau cái sự giàu,
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng đồng rơi, lọ phải cầu.

Nó lại mừng nhau sự lắm con,
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Tú Xương xưng “ông”, gọi những người đang tíu tít chúc tụng nhau nhân năm mới là “nó” (ở đây, hiểu là “chúng nó”). Chúng nó có thể là một đối tượng xác định, cũng có thể chỉ mọi người. Nếu xác định, thì chúng nó là đám thị dân hãnh tiến nửa tây nửa ta ở thành Nam Định vào thời điểm giáp ranh giữa hai thế kỉ 19 và 20. Chúng nó có “trăm nghìn vạn mớ” không để đâu cho hết, lại còn chúc “cái sự giàu”; chúng nó mua tước, mua quan để được tiếng sang khi đã giàu sang;… Nếu chúng nó chỉ thiên hạ nói chung, thì dẫu nhà thơ có ngạo nghễ, tự tôn mình đứng trên mọi người, ông vẫn có lí. Bởi những lời chúc tụng thường vượt quá hiện thực: vạn sự như ý, bách niên giai lão, công thành danh toại, bách chiến bách thắng,…Vì cả sự xã giao hay chuyện đãi bôi đầu lưỡi. Nhưng cái lí của nhà thơ có lẽ không chỉ như vậy. Ông muốn con người giữ lấy cái Chân để nhìn nhận đúng bản chất mỗi vấn đề và tránh đi cái Nguỵ, dù chỉ ở mức nguỵ ngôn. Biết là không mấy người sống đến trăm tuổi mà vẫn “chúc nhau trăm tuổi”, biết là khó có chuyện “sinh năm đẻ bảy được vuông tròn” mà vẫn cứ cầu mong và bất chấp việc phố hẹp người đông. Khi nhìn đúng bản chất sự vật, hiện tượng, thì sẽ thấy rõ là mua được tước vị, chức quan không làm sang lên; sự giàu có không phải là tất cả; sinh sản lắm gây khó khăn về chuyện ăn ở sau này,…

Đó là cái lí mang tính nhân văn của bậc thức giả. Nó là cơ sở để Tú Xương xưng “ông”, gọi thiên hạ bằng “đứa”, “nó” như gọi con nít dù tuổi đời còn trẻ (cho đến lúc mất, ông mới được 37 tuổi).

Hai khổ thơ đầu, nhà thơ giả định mình “đi buôn cối”, “đi buôn lọng” để phủ nhận lời chúc “trăm tuổi” (không mấy người đến mức tuổi phải ăn trầu bằng cối giã), để la mắng việc mua chức tước làm sang. Điều này có tác dụng như sự phản chứng của các lời chúc.

Hai khổ thơ sau, ông cũng dùng lối phản chứng nhưng không nêu tình huống giả định mà bằng suy lí: nếu chỉ rặt toàn tiền bạc thì gà phải ăn bạc, nếu sinh con đàn cháu đống thì chỉ có núi non mới dung nạp nổi. Biện pháp phóng đại hỗ trợ tích cực cho sự suy lí này, nó hiện ra rõ nét hơn so với hai khổ thơ trước.

Bài thơ, như vậy, vừa châm biếm một (hay một số) tầng lớp xã hội cụ thể vừa có sức khái quát chỉ ra cái hư, cái nguỵ chung mà con người cần xem lại, cần gạt bỏ để cái chân được sáng rõ.

Cười cợt về cái nghèo của mình trong dịp đón năm mới, phê phán cái thái quá đến thành lố lăng của một số hạng người vào mấy ngày xuân, cũng như châm biếm về cái chết của một cô Ký lúc mồng hai Tết, Trần Tế Xương đều có lí, dù có phần ác khẩu. Thiện ý của nhà thơ trào phúng được tìm thấy ở chân lí xã hội mà nhà thơ bảo vệ. Tú Xương đứng chân ở lẽ thường trong đạo lí truyền thống của dân tộc, và ở một vài trường hợp, ông đã phân biệt được chân – nguỵ và không chút ngần ngại khi lên tiếng bảo vệ chân lí dưới hình thức phê phán cái giả tạo, nguỵ danh. Rất có thể đó là chỗ mà Nguyễn Khuyến đã thừa nhận và tôn vinh Tú Xương khi chung cuộc:

Kìa ai chín suối Xương không nát,
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn

Click to rate this post!
[Total: 42 Average: 3.7]
Hai thẻ thay đổi nội dung bên dưới.
Cái hay của làm thơ dở là dễ khiến người ta cảm thấy gần gũi, đáng yêu! Hãy yêu và thương tôi thật nhiều các bạn nhé để tôi có thêm động lực làm thơ tiếp, cảm ơn các bạn!

Bài mới nhất của Lục Đức Thành (Xem tất cả)

Thơ mới nhất của "Tú Xương":

Để lại lời bình